..TT - Bạn đã vượt qua cuộc phỏng vấn đầy thử thách. Và câu hỏi cân não cuối cùng sẽ là: “Bạn muốn đề nghị mức lương bao nhiêu?”. Đó luôn là câu hỏi “sinh tử”.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, trưởng phòng tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao Công ty Talentnet, sẽ tư vấn về “cửa ải” này. Bà cho biết:
Thông thường, các công ty lớn đều có cơ cấu lương chuẩn nên khi tuyển dụng vị trí mới hay quyết định tăng lương họ đều tuân theo khung lương của công ty. Vì vậy, ứng viên phải biết thông tin này để đưa ra mức phù hợp với vị trí mình mong muốn.
Đối với những câu hỏi “bạn muốn đề nghị mức lương bao nhiêu?” như vậy, câu trả lời hợp lý không nên là câu trả lời trực tiếp, mà ứng viên nên nói rằng cần tìm hiểu thêm về công việc trước khi đi vào thảo luận các vấn đề liên quan đến lương bổng. Đồng thời đặt ra các câu hỏi với nhà tuyển dụng để hiểu thêm về yêu cầu công việc.
Lúc này ứng viên cũng nên cân nhắc xem khả năng của mình có đáp ứng được những yêu cầu đó không. Mặt khác, ứng viên cũng có thể đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về mức lương tương ứng dành cho vị trí tương đương hoặc khung lương của công ty dành cho vị trí này. Khi đã có đủ thông tin, tùy vào tình hình mà bạn đưa ra mức đề nghị ngay cuộc phỏng vấn hoặc trả lời sau đó.
Trường hợp nếu nhà tuyển dụng thẳng thừng từ chối mức lương ứng viên đưa ra và gợi ý một mức lương thấp hơn (nhưng vẫn trong khung cùng vị trí) thì phải hành xử như thế nào? Trong trường hợp như vậy, hãy nói cho nhà tuyển dụng biết ứng viên sẽ làm được gì xuất sắc cho công ty. Nếu nhà tuyển dụng vẫn kiên quyết với mức lương đã đưa ra thì có thể đặt vấn đề: nếu hoàn thành tốt công việc trong thời gian nào đó thì có được điều chỉnh mức lương hay không? Đó cũng là một cách hai bên không thua thiệt.
Nói chung, trong đàm phán về lương, điều tiên quyết là phải thẳng thắn, có nhiều thông tin về phía đối tác và phải khéo léo, tránh thương lượng kiểu vòng vo nhưng cũng không nên quá sỗ sàng.
M.VINH ghi