Nếu bạn sống cùng mái nhà với một người mẹ chồng khó tính, hay soi xét thì những tình huống dưới đây có lẽ xảy ra như cơm bữa:
- Mẹ chồng chỉ trích cách ăn mặc của bạn? Chê những món ăn bạn nấu và than phiền về việc nhà cửa bừa bãi dù bạn đã cố gắng lau dọn hằng ngày?
- Kể lể với chồng bạn những việc xảy ra giữa bạn và mẹ chồng với thái độ thiếu tôn trọng và không có tính xây dựng?
- Kiểm soát mọi công việc trong nhà, ngay cả việc nuôi dạy con cái của bạn?
- Sẵn sàng thêm dầu vào lửa khi hai vợ chồng bạn xảy ra mâu thuẫn và đứng hẳn về phía chồng bạn khi tranh luận?
Bạn đã, đang và sẽ làm gì nếu rơi vào tình cảnh đó? Nói thẳng với mẹ chồng những ấm ức trong lòng? Giữ im lặng để lâu dần những khó chịu tạo thành bức tường ngăn cách tình cảm mẹ chồng - nàng dâu? Cả hai cách đó đều bất lợi cho bạn bởi mẹ chồng vẫn là bậc bề trên và bạn phải cư xử có chừng mực. Thay vào đó, hãy biết cách kiểm soát mối quan hệ này một cách khôn ngoan với những góp ý dưới đây của các chuyên gia:
1. Ứng xử với mẹ chồng là một kỹ năng giao tiếp đặc biệtCũng như mọi kỹ năng khác, trước hết, hãy trang bị cho mình nền tảng và kiến thức nhất định về lĩnh vực này. Chịu khó đọc sách tâm lý để tìm hiểu cảm xúc, suy nghĩ của những người lớn tuổi. Thi thoảng, nếu có thời gian, hãy tham gia các diễn đàn thảo luận chuyện gia đình hoặc tìm đọc các bài báo để học tập kinh nghiệm của những người đi trước.
Có thể bạn sẽ nói với tôi rằng: Thời gian đâu mà đọc. Việc công ty, việc nhà đã đủ mệt rồi. Nhưng để hai người xa lạ bỗng dưng thân thiết, yêu thương nhau đâu phải một sớm một chiều hay tự nhiên mà có. Nhất là thời gian một năm mới về nhà chồng, bạn phải nỗ lực thật nhiều.
2. Thay đổi quan điểm của bạn khi cần thiếtĐành rằng bạn vẫn chỉ ở vị trí làm con thôi nhưng mẹ chồng khác hẳn với mẹ đẻ. Đừng nũng nịu hay xử lý mọi việc một cách quá trẻ con. Khăng khăng cho rằng mình đúng là nguyên nhân khiến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trở nên căng thẳng. "Nhường nhịn" mẹ chồng một chút và bày tỏ quan điểm của mình khi nào có cơ hội. Dần dần, mẹ chồng sẽ hiểu và thông cảm cho bạn.
3. Giao tiếp công bằngBạn và mẹ chồng là hai người phụ nữ trưởng thành. Những gì bạn đang làm hôm nay cũng chính là một thời mẹ chồng đã đi qua. Vì vậy, trước mỗi công việc vượt qua ranh giới chuyện riêng của hai vợ chồng, hãy chia sẻ và xin ý kiến của mẹ. Trong khi thảo luận, khéo léo và nhẹ nhàng lồng vào đó quan điểm của mình. Tất nhiên vẫn trên cơ sở đề cao mẹ chồng. Nhớ rằng tâm lý người già rất thích được đề cao và ưa nói ngọt.
4. Thiết lập ranh giới hợp lýViện đến sự giúp đỡ của chồng trong giải quyết bất đồng với mẹ chồng là một cách khôn khéo, hiệu quả. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bạn cần biết tự đứng lên bảo vệ chính kiến thay vì đợi chồng ứng cứu. Bạn không thể kiểm soát hoàn toàn hành vi của mẹ chồng nhưng bạn có thể thiết lập giới hạn ảnh hưởng của hành vi đó đối với bạn. Mục đích là để bảo vệ chính bạn và cuộc hôn nhân của bạn.
Ví dụ như mẹ chồng luôn khó chịu với việc bạn cho con chơi điện tử mỗi ngày 15-20 phút. Bà dẫn ra bao nhiêu câu chuyện không hay, con cái hư hỏng vì điện tử. Không phải bạn không biết điều đó nhưng bạn cũng chẳng tài nào chứng minh cho bà thấy mặt tích cực của nó trong việc giảm căng thẳng, phát triển tư duy của trẻ. Vậy thì đừng tranh luận làm gì. Cứ cười xoà và làm theo ý chỉ. Sau đó, lựa lúc thích hợp để giải thích.
5. Thực thi các ranh giớiBạn đã nghe thấy cụm từ "Không quan trọng bạn nói gì mà là bạn nói như thế nào". Đó là một nguyên tắc quan trọng cần thuộc lòng khi tương tác với mẹ chồng. Giao tiếp là nhu cầu thiết yếu và việc thiết lập ranh giới không có nghĩa là bạn thiếu tôn trọng, lừa dối mẹ chồng. Có điều bạn trong một lúc nào đó, bạn buộc phải đi đường vòng và trì hoãn thời gian về đích một chút thôi. Tuy nhiên, trong mọi hành động của mình, bạn cần nói rõ với chồng để chồng hiểu và trở thành đồng minh thân tín của bạn.
nguồn : Ngôi sao