Trước khi bắt đầu, tôi muốn hỏi các bạn một câu hỏi : Nếu bạn, thì khi phát hiện người yêu hay vợ mình không còn trinh tiết thì bạn sẽ phản ứng như thế nào ?
a. Coi đây là một điều không thể chấp nhận được, và đòi chia tay !
b. Tha thứ nhưng vẫn dằn vặt và không thể quên.
c. Coi như không có chuyện gì, cảm thông và sẻ chia với người mình yêu.
Theo tôi, trinh tiết không nói nên được bất cứ thông tin gì về người phụ nữ, đó là do các nguyên nhân sau :
Theo khía cạnh y học, màng trinh người phụ nữ cho đến tuổi trưởng thành có thể bị rách bởi nhiều nguyên nhân, thậm chí có những người sinh ra đã không có. Vì vậy, theo quan điểm coi trọng trinh tiết thì những người phụ nữ như vậy sẽ bị đánh giá thế nào đây?
Về vấn đề đạo đức, thì dù theo quan điểm xưa hay nay thì cũng đều chối bỏ những người phụ nữ lăng loàn, có lối sống buông thả. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh đồng những người phụ nữ không còn trinh tiết với loại phụ nữ này. Giá trị của người phụ nữ tại một thời điểm không phải ở chỗ họ còn trinh hay không mà là ở những hành động họ đang và sẽ thực hiện.Về mặt văn hóa và tôn giáo, người Việt Nam đều đề cao tính vị tha, “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Tuy nhiên, tôi lại thấy xót xa khi thấy những người phụ nữ bị xã hội khinh bạc, coi thường chỉ vì họ đã “trót hết mình” với ai đó.Thậm chí cả những người phụ nữ bị hãm hại cũng bị xã hội tiếng ra tiếng vào vì cho rằng cô ta phải thế nào mới bị hãm hại. Tại sao ở một quốc gia có nền văn hóa đề cao tính vị tha lại quá cay nghiệt trong những hoàn cảnh như vậy ? Đó chính là do sự quá quan trọng hóa, quá đề cao vấn đề trinh tiết của người phụ nữ.
Nếu như các bạn phê phán phụ nữ,vậy có bao giờ các bạn thử đặt ra một câu hỏi đơn giản thế này thôi : Nếu như tạo hóa thay vì trao cái màng trinh cho phụ nữ, mà trao màng trinh cho đàn ông thì sao nhỉ ? Bao nhiêu người đàn ông sẽ giữ gìn được tấm màng mỏng manh đó cho đến ngày họ lấy vợ ?
Và nếu phụ nữ lại cũng có quan điểm quá gay gắt về vấn đề trinh tiết đó, phụ nữ chỉ kiên quyết chọn một người đàn ông còn trinh tiết để lấy làm chồng thì đàn ông khi đó sẽ nghĩ sao ?
Khi đó đàn ông có còn coi trọng vấn đề trinh tiết như bây giờ không ? Tôi đoán phần lớn câu trả lời sẽ là không, thay vào đó sẽ là phụ nữ nên bao dung và độ lượng.
Đàn ông gay gắt, vì cái màng trinh đó nó không có trong cơ thể của họ. Đa phần cánh mày râu chúng ta không chịu đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để có được cái nhìn bao dung.
Các bạn nam hãy thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh của chị em mà suy ngẫm xem chị em có đáng bị lên án đến mức đó không ?
Tôi nhận thấy lí do đàn ông lên án người phụ nữ không còn trinh tiết là vì họ cho rằng những người phụ nữ đó, họ khó có thể trở thành một người vợ tốt, một người mẹ mẫu mực. Nhưng chưa bao giờ thấy có một đề tài khoa học nào nghiên cứu, chứng minh được rằng phụ nữ nếu đánh mất trinh tiết trước hôn nhân thì khó có thể là một người vợ tốt, một người mẹ tốt được !
Các bạn có biết tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ ngày xưa là bao nhiêu không nhỉ? Thôi thì tôi tạm trả lời bằng một câu nói (hay một câu thơ) của ngươì xưa nhé!
"Lấy chồng từ thủa mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con"
Các bạn chắc cũng có lúc nghe người bà, hay thậm chí người mẹ của mình nói rằng họ lấy chồng năm bao nhiêu tuổi nhỉ ? Thời trước, có người phụ nữ lấy chồng khi họ mới bắt đầu dậy thì, họ làm vợ, làm mẹ khi chưa đến hai mươi tuổi.
Khi đó họ còn chưa kịp cảm nhận thế nào là tình yêu, biết được thế nào là những ham muốn. Lúc đó, chuẩn mực phụ nữ phải còn trinh hình thành và tôi cũng đồng ý rằng trong thời điểm đó, cái nhận xét phụ nữ phải còn trinh mới là người phụ nữ tốt thì hợp thời và hầu như chính xác đến 100%.
Còn tuổi kết hôn của phụ nữ và đàn ông thời nay là bao nhiêu ? Chắc qua sách vở, báo đài các bạn cũng biết phải không ?
Khi ta lớn lên, cơ thể dậy thì, bản năng tự nhiên trong ta bắt đầu xuất hiện những tò mò, ham muốn. Có ai dám nói trong cơ thể tôi không tồn tại phần đó không ? Và rằng khi ở bên người tôi yêu, tôi không ham muốn, không khát khao ?
Phụ nữ cũng có trong mình những ham muốn như đàn ông thôi !
Nhưng có phải là độc ác và cứng nhắc quá không khi đàn ông chúng ta cứ mang một tấm áo cũ đã chật ních ra để bắt một thân thể đang lớn phải mặc ? Dù biết tấm áo cũ đó đẹp và cao quý, nhưng nó đã ko vừa nữa rồi ! Nên chăng ta hãy may cho thân thể ấy một tấm áo mới vừa vặn hơn. Cũng như đàn ông hãy nên dành cho phụ nữ thời nay một tấm lòng bao dung hơn.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, vấn đề bình đẳng nam nữ đang được đề cao, và cũng là vấn đề được tranh cãi rất nhiều. Theo quan điểm của tôi, để bình đẳng nam nữ thì cái đầu tiên và quan trọng nhất là sự đánh giá của nam và nữ phải đồng nhất, tức là khi đánh giá một con người thì không nên phân biệt đó là nam hay nữ mà đơn giản đó chỉ là một thực thể và có một tập các quan niệm đánh giá cho thực thể đó.
Theo quan điểm như vậy, nếu chúng ta lấy trinh tiết để đánh giá về người phụ nữ thì chúng ta cũng phải lấy một cái gì đó tương ứng để đánh giá về người đàn ông. Tức là, nếu xã hội coi thường những người phụ nữ mất trinh mà chưa lập gia đình thì cũng phải coi thường những người đàn ông chưa có vợ mà đã “từng trải”. Do vế sau không xảy ra nên chúng ta không nên lấy trinh tiết để để đánh giá người phụ nữ. Được như vậy thì mới đảm bảo được một khía cạnh của vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ.
Cuối cùng, theo quan điểm của tôi, tất cả kỳ thị của xã hội dành cho những người phụ nữ không còn trinh là bắt nguồn từ một quan niệm sai lầm. Rất nhiều người đã đánh đồng trinh tiết với đạo đức của người con gái. Đạo đức là một khái niệm trừu tượng, trong khi đó trinh tiết (gắn liền với màng trinh) là một khái niệm cụ thể. Đạo đức là một khái niệm rộng, phức tạp, nhiều yếu tố, còn màng trinh là một khái niệm hẹp, không ổn định (bởi vì có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến người phụ nữ không có hoặc còn màng trinh).
Việc so sánh hai khái niệm trên với nhau đã là khập khiễng, nói chi đến việc đánh đồng chúng. Chính vì sự đánh đồng như vậy nên mới có quan niệm “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” vì thực tế chỉ có đạo đức của người phụ nữ mới có giá trị như thế. Do vậy, quan niệm trinh tiết đã đè nặng lên vai người phụ nữ từ xưa đến nay.
Cái đáng giá ngàn vàng của người phụ nữ, không phải là màng trinh, mà chính là sự chung thủy : chung thủy trong tình yêu, chung thủy trong cuộc sống vợ chồng. Sự chung thủy như thế nào tùy nền văn hóa của mỗi dân tộc, tùy truyền thống gia đình, tùy quan niệm của bản thân, và quan trọng hơn cả, tùy thuộc vào người yêu hoặc người chồng mà ta đang quan hệ.
Tôi viết những dòng này không phải để ủng hộ lối sống tha hóa, buông thả. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng ta hãy đánh giá đúng đắn về người phụ nữ, đừng vì một khía cạnh quá nhỏ bé mà chối bỏ một con người. Tôi mong những người đàn ông khác đừng vì chữ trinh mà tỏ ra coi thường, chối bỏ, thậm chí là thông cảm hay tha thứ, đơn giản là do chữ trinh không nói nên được bất cứ thông tin nào về người phụ nữ. Hãy có cái nhìn đúng đắn về những người phụ nữ, hãy đánh giá theo đúng những gì họ có ! Có như vậy, chúng ta mới thực sự giải phóng phụ nữ.
Người phụ nữ Việt Nam vốn nổi tiếng về lòng chung thủy. Đó là đức tính tốt, là truyền thống tốt đẹp có từ bao đời nay. Sự chung thủy, hết lòng lo cho chồng cho con. Đó mới là tiết hạnh của người phụ nữ hiện đại, chứ không phải việc còn trinh hay mất trinh. Tất nhiên chúng ta không cổ vũ lối sống buông thả, xem thường trinh tiết; không cổ vũ người phụ nữ phải “trải nghiệm” trước khi về nhà chồng, nhưng không thể chỉ coi lấy việc còn hay mất trinh làm thước đo đức hạnh.
Người đàn ông luôn trân trọng người phụ nữ đầu tiên của riêng mình nhưng tại sao khi yêu họ lại không biết giữ gìn cho phái nữ. Nếu bị từ chối người con trai kia sẽ hờn giận, sẽ trách bạn gái mình không yêu, nếu yêu thì phải cho tất cả những gì mình có.