[justify]CHUYỆN Ở ĐÀI VÔ TUYỆN ĐIỆN ĐẢO HÒN MÊ[/size][/color] [/b]
. Đầu năm 1966, tốt nghiệp khoá đào tạo Báo vụ, tôi và Phớt được cấp trên điều ra đảo Hòn Mê thuộc địa bàn Quân khu IV, một địa bàn nóng bỏng của cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay và tàu chiến Mỹ. Gần một năm, nơi đây đã trở thành “túi đựng bom” giặc Mĩ và bây giờ càng trở nên ác liệt hơn. Những ngày nằm chờ chuyến tàu ra đảo, sáng và chiều trên bãi biển Duy Xuyên – Ba Làng chúng tôi lại nhìn ra biển đông, trông Hòn Mê xa thẳm nơi chân trời, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của nó. Khi bình minh, Hòn Mê như che đậy, úp, mở đằng sau nó vô vàn hào quang rực rỡ. Phông trời tím đỏ rồi vàng ựng và xanh thắm báo hiệu một canh trưa sắp tới. Về chiều, biển xanh, đảo càng xanh và chuyển màu ngọc bích. Đảo như con biến sắc lộng lẫy và huyền diệu. Thật chả trách mà từ ngàn xưa, người đời đã khéo đặt tên cho đảo là Hòn Mê và rồi ai ai cũng quen gọi Đảo Mê. Đảo làm chúng tôi mê rồi. Ngày nào chúng tôi cũng ngắm đảo để tận hưởng cái vẻ đẹp vĩnh hằng mà trời phú cho đảo và cũng để tận mắt thấy những trận bom bằng cột khói đen ngòm và sau đó là tiếng nổ xa xăm.
. Có ít người, nên chuyến ra đảo lần này chỉ chạy bằng thuyền. Thuyền có ba thủy thủ do Duyệt quê Quỳnh Lưu, Nghệ An làm thuyền trưởng. Cùng ra đảo với chúng tôi có anh Nhưng, đảo phó, quê Tĩnh Gia đi họp ở Quân khu về. Biết chúng tôi được điều về đảo, anh mừng lắm. Anh khoe luôn, các cậu về đảo lần này là do tớ xin đấy. Vào Quân khu trước khi họp, tớ báo cáo kế hoạch xin tăng quân số đợt này. Họp xong tớ ghé về qua nhà thăm cụ già và mấy con trẻ, lần nào vào họp cũng vậy, lính mà, cứ chớp nhoáng là thế. Mấy hôm nay nó tăng cường đánh đảo dữ quá, sốt cả ruột. Rồi anh kể rất nhiều chuyện ở đảo, chúng tôi càng háo húc về đảo. Gần trưa, anh mua ba con mực của một thuyền câu trên đường về. Anh chiêu đãi chúng tôi, mực tươi luộc ngon thật, chúng tôi chỉ ăn hết ba bộ râu mực mà no kễnh bụng.
. Đảo hiện rõ dần trước mặt chúng tôi, thuyền phải quay mũi đổi hướng đi, rồi trà trộn vào đoàn thuyền của dân đang đánh cá trên biển. Cứ như thế đến ba, bốn lần để đánh lừa máy bay địch. Thuyền lênh đênh, sóng đánh lắc lư, chồng chềnh. Chúng tôi đã thấm mệt, ngấm sóng và say dần, lăn cả ra khoang chở gạo ngủ khì. Chập choạng tối thuyền được lệnh quay đầu tiến vào đảo. Chúng tôi ai cũng bồn chồn như người đi xa trở về nhà. Bến Bãi Cát đông vui nhộn nhịp, người bốc hàng, người ra đón thư, người ra đón bạn và chúng tôi cũng được anh em trung đội thong tin ra đón. Chuyện trò cởi mở, thân mật như anh em một nhà.
. Bữa cơm đầu tiên trên đảo một tín hiệu cho thấy là cực kỳ thiếu rau. Cơm nấu xong rồi mà cả đảo bộ vẫn chưa ăn, kiên trì chờ thuyền ra để kiếm bữa canh rau. Một nồi quân dụng nước, lơ thơ ước độ chục tàu rau cải thái nhỏ biến, mà anh nào cũng hau háu muôi, thìa, đũa hướng vào… Tối hôm ấy tôi được vinh dự ngủ lại nhà hầm chỉ huy đảo. Sau một chầu hầu các cụ mấy ván tổ tôm, là câu chuyện về cuộc sống chiến đấu trên đảo. Cuộc sống nơi đây còn nhiều cái thiếu lắm. Thiếu nước ngọt vào mùa khô, thiếu rau xanh… và thiếu dân. Trước đây khu đồi Hải Đăng vui lắm, có ngọn Hải Đăng, có trạm phát điện. Dân ở chăn nuôi bò, nuôi dê, đánh bẫy chim gáy, hái thuốc Nam, Thuốc Bắc, trồng chuối, đánh cá, câu mực…Thuyền bè ra vào bến Bãi Cát nhộn nhịp. Bây giờ đồi Hải Đăng là trận địa pháo của ta, ngọn Hải đăng đã tắt lâu rồi, trạm phát điện chỉ còn một đống gạch vụn…Đảo trưởng như căn dặn tôi, cậu sẽ về trên Đài Vô Tuyến Điện 15W, trên ấy chưa có đảng viên, cậu về chúng tôi càng yên tâm. Song hết sức chú ý, trên ấy chúng đánh như cơm bữa.
. Sáng hôm sau tại sở chỉ huy, Chính trị viên đảo giao nhiệm vụ cho tôi, trung đội trưởng Thư và Đài trưởng Ưng lên tận nơi đón tôi. Leo một con dốc, đường ngoằn ngoèo, đá lởm chởm, hai bên có hố cá nhân tránh bom, cái lộ thiên, cái hầm ếch. Leo tiếp là lên Đài Quan sát, rẽ trái là về khu điện đài. Nơi đảo xa này, Vô tuyến điện sóng ngắn là phương tiện duy nhất để liên lạc với Quân khu, với Bộ Tổng Tham Mưu, nên được bố trí ở khu hầm khá kiên cố. Điện đài 15W đặt trong căn hầm lưng chừng đồi, mấy cành khô nhô lên trên một sườn dốc toàn là đá. Đá nhỏ, đá to ngổn ngang do Rốc két, bom Mĩ cày đi xới lại bao nhiêu lần chả ai nhớ và cả những mảnh bom còn đương mùi khét lẹt. Tôi chợt nhận ra nơi đây vừa có trân bom và hỏi Đài trưởng Ưng:
- Trận bom sáng sớm nó lại đánh vào Đài hở anh?
- Đúng rồi, tôi đang rửa mặt thì nghe bom rít, kịp nhảy vào cửa hầm là bom nổ. Anten đứt, cột Anten gẫy. Anh em trong đài phải khắc phục sơ bộ để kịp liên lạc, chính ngọ mới củng cố lại.
- Sao anh không cho thay An ten, để nhiều mối nối thế có liên lạc được không?
- Anten này thay chưa được tuần lễ. Ở đây tốn An ten lắm, cuối năm rồi Quân khu bổ sung cho năm bộ, thế mà hôm nay còn duy nhất bộ này. Nó còn khá đấy, mới có chục mối nối, có cái hơn hai chục lần nối. Cũng có cái sau trận bom chỉ còn vài mét. Tôi đã cho triển khai An ten Rải, An ten Chôn để liên lạc nhưng cự ly xa, liên lạc khó khăn lắm. Đài mình rất vất vả với công việc khắc phục An ten, nhất là những trận địch đánh ban đêm. Trận đêm tháng trước, đang phiên liên lạc điện TGK và TK hơn năm chục, trời tối như bịt mắt, ánh sáng không được dùng, An ten đứt, rối tung không biết đâu mà lần. Đang khắc phục thì địch lại đánh, anh em chạy vào hầm không kịp, phải ẩn nấp vào vách đá. Nguyễn Ái Chi bị thương nặng, sau nhiễm Uốn ván, may là tàu Hải quân ra kịp chuyển về Quân khu điều trị. Bây giờ chàng trai Hà Nội ấy là “chuyên gia” Anten của đài. Trèo cây giỏi, dựng cột nhanh, triển khai Anten chuẩn lắm. Những lúc nghỉ, Ái Chi cùng anh em nhặt các đoạn Anten củng cố thành một bộ đủ kích thước, làm dây co, dây níu rất cẩn thận, chặt cây rừng nối lại thành cột Anten có đủ độ cao. Khi có sự cố Anten là triển khai thay thế được ngay. Sau đó thu Anten hỏng về củng cố. Thật là hiến kế nhỏ mà hiệu quả cao. Nghe Đài trưởng Ưng kể về tập thể đài, tôi càng mến phục anh em hàng ngày lặng lẽ lập những chiến công trên cao điểm và là trọng điểm của đảo. Nơi mà cái gì cũng thiếu thốn, thiếu cả nhửng tờ giấy viết thư…Tôi mời anh em hút điếu thuốc lá “Sầm sơn” quê nhà. Ái Chi hỏi tôi về chuyện riêng tư. Tôi nhận ra giọng “Nghệ” mà sao gọi là chàng trai Hà nội. Về sau tôi mới biết Ái Chi là con trai Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đổng Chi, một nhà sử học có tên tuổi của Việt nam, nhà Ái Chi đang sinh sống tại thủ đô. Tôi theo Đài trưởng Ưng vào hầm đài. Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, anh em đang ca làm việc. Tiếng máy phát điện quay tay Gaguno quay vè vè, tiếng Manip gõ, tiếng Rele ăn điện phầm phập, đèn Neon chớp lửa cao tần theo nhịp máy đang phát đi bản điện, báo cáo trận đánh vừa rồi. Và từ đó tôi hoà vào cuộc sống của Đài Vô Tuyến Điện 15W trên đất đảo. Anh em thay phiên nhau, sáng tinh mơ xuống núi gánh nước, xuống bếp Đảo bộ lấy cơm, xuống biển bắt cua đá, ghè con hàu về cải thiện, chặt lá rừng nguỵ trang cửa hầm, vào ca máy và khắc phục sự cố An ten... Nhưng dù làm việc gì, ở đâu vẫn phải canh chừng những trận bom và pháo kích của giặc Mĩ.
. Dễ có đến nửa tháng ra đảo, mà tôi chưa được quan sát đảo. Hôm ấy xin phép đài trưởng, tôi theo anh em trung đội Trinh sát lên đài quan trắc. Đây là nơi để quan sát phát hiện máy bay, tàu chiến Mĩ, đánh kẻng báo động và gọi bộ đàm báo cáo chỉ huy rồi ghi nhật ký chiến đấu của đảo. Mỗi khi tiếng kẻng báo động vang lên, chỉ trong giây lát là máy bay Mĩ ập tới. Tốp thì nhào vào đánh phá đảo. Tốp bay qua đảo vào oanh tạc đất liền, có tốp từ đất liền trở về căn cứ, bay qua vùng trời đảo và trút xuống đây những loạt bom những thùng Rốc két còn dư thừa vào đảo, trước khi hạ cánh xuống tàu căn cứ. Có tốp tưởng như bay qua, nhưng lén vòng lại đánh đảo. Có lần tiếng bom át cả tiếng kẻng vì khi phát hiện được máy bay thì chúng đã cắt bom. Để tránh mắt chiến sĩ quan sát và các trận địa pháo của ta phát hiện, chúng bay rất thấp gần sát mặt biển, tới đảo chúng nâng độ cao cắt bom vào đảo rồi bay vọt lên cao vòng ra biển, quay về tàu sân bay, căn cứ Hạm Đội 7 của Mỹ đang lởn vởn trên Thái Bình Dương. Chúng quả là xảo quyệt. Chúng hoạt động theo quy luật: Ngày nào cũng vậy, vào sáng sớm từ hướng đôn và buổi chiều hôm từ hướng tây - hướng mặt trời, chúng bay rất thấp vào oanh kích đảo với ý đồ là lợi dụng chói mặt trời làm cho ta không phát hiện được máy bay và đặc biệt là pháo thủ ta khó bắt chính xác mục tiêu máy bay. Mục tiêu oanh kích chính của Không quân và Hải quân Mỹ vào đảo là khu điện đài và hầm chỉ huy. Nắm được quy luật hoạt động của địch, tôi suy nghĩ và bàn bạc với với anh em trong đài, với trung đội tìm cách hiến kế đánh chúng. Chúng tôi cùng một dòng suy nghĩ: Nếu đánh thắng địch ở hướng này là bảo vệ được khu điện đài, anh em đỡ vất vả về công việc khắc phục An ten. Biết đâu đấy chúng ta lại có thành tích tự chiến đấu bảo vệ điện đài, bảo vệ thông tin. Sau nhiều lần báo cáo và cùng trung đội trưởng thảo luận. Chúng tôi mạnh dạn đề nghị phương án chiến đấu lên chỉ huy đảo. May mắn thay là được chỉ huy đảo chấp thuận và giao nhiệm vụ cho trung đội Thông tin thực hiện. Cả trung đội phấn khởi với nhiệm vụ và bắt tay vào triển khai, song cũng không ít ý kiến xì xào khó tin là khả thi. Trận địa gồm 3 hầm đặt súng RBD, thành thế chân kiềng. Đât đảo khó khăn vô cùng, các bộ phận Trinh Sát, Công Binh góp sức mà hơn tuần lễ mới đào xong công sự, trận địa. Cả trung đội được tập huấn lại cách băn máy bay bằng súng bộ binh và thay phiên nhau trực chiến chờ địch vào những giờ cao điểm. Ác nghiệt thay, một tuần, hai tuần rồi gần một tháng trôi qua, không một lần máy bay vào hướng trận địa của chúng tôi. Tôi nghĩ và nhiều anh em cũng suy nghĩ: Hay là trận địa bị lộ, ráng mấy hôm nữa sẽ báo cáo với cấp trên thôi tổ chức trực chiến, vì anh em quá nhiều công việc sự vụ khác. Hơn nữa anh em ý kiến ỳ xèo quá nhiều, nghe nhức cả đầu. Trung đội họp chấn chỉnh, tiểu đội họp chấn chỉnh. Tôi cũng cảm thấy khổ tâm cho anh em.
. Hôm ấy một sáng tháng năm đẹp trời, tổ chúng tôi bàn giao ca xong, vừa trở về nhà hầm thì nghe tiếng súng nổ giòn phía trận địa. Tiếp theo là tiếng bom nổ rung cả đất trời. Có tiếng reo. A ha! Cháy rồi! trận địa Thông tin lập công rồi. Tôi không tin vào tai và mắt mình, nhưng đó là sự thật. Chiếc F105 với một vòng lửa đỏ rực và một vệt khói đen ngòm, to và dài đang lao nhào ra biển đông, đúng là trận địa Thông tin lập công rồi, các trận địa pháo lớn không hề nổ súng. Từ đài Quan sát báo về một máy bay F105 trúng đạn từ trận địa trung đội Thông tin. Mọi người mừng rỡ, nhưng chưa được công nhận, còn phải chờ bản tin của đài tiếng nói Việt nam công bố. Bản tin trưa qua đi, rồi bản tin chiều cũng vậy, cả đảo như nín lặng, đón nghe và người nóng lòng nhất là tôi. Một ngày không và ngày hôm sau vẫn không tin tức gì. Lần này không chỉ anh em trong trung đội mà cả đảo bàn tán. Đâu có thể “bở ăn” như vậy, mấy tay này chỉ bày trò cho mệt anh em. Mà mấy ông chỉ huy sao cũng dễ tin một tay chân ướt, chân ráo mới về đảo là vậy. Tôi buồn bực, có phần xấu hổ và ân hận, lên dường đi ngủ sớm hơn mọi ngày, nhưng trằn trọc, vật vã không sao ngủ được. Hai ngày cực độ buồn chán, ngấm mệt, bã cả người, thiếp đi. Giật mình, tôi nghe trung đội trưởng Thư oang oang: Bản tin cuối cùng trong ngày, đài tiếng nói Việt nam vừa tin thêm ngày hôm qua quân và dân đảo Hòn Mê, Thanh hóa bắn cháy một máy bay F105 của giặc Mĩ. Thế là cả trung đội reo vang mừng chiến thắng. Chính trị viên đảo gọi điện thông báo và chúc mừng. Cả đảo mừng reo hơn cả sáng hôm qua, chiến thắng này quả là quá đặc biệt, được hai lần đảo đón mừng. Tôi sung sướng trào cả nước mắt, trung đội trưởng cũng trào cả nước mắt, anh ôm chặt lấy tôi, anh nói: Hôm nay tớ mới thở phào nhẹ nhõm. Đã hơn tuần lễ qua, tớ mất ăn, mất ngủ vì chỉ huy đảo ép chuyển phương án chiến đấu. Tớ phải thuyết trình là phương án đó còn là phương án chiến đấu phòng thủ trên hướng quan trọng khi địch liều lĩnh đổ bộ lên đảo. Đến hôm nay, chứng tỏ phương án của ta quả là tối ưu khả thi.
. Hôm sau tôi và Tuyển được cử lên đảo bộ bắt lợn về làm thịt ăn mừng. Chúng tôi làm cỗ mời chỉ huy đảo, mời các trận địa bạn. Bữa tiệc vui quá, tôi được chúc mừng nhiều nhất. Cỗ không có bia, rượu nhưng ai cũng say, say với chiến thắng, tôi vô cùng vinh hạnh. Nhưng cái vinh hạnh lớn hơn là được đảo phát động học tâp tinh thần dám nghĩ, dám làm. Biết cách tìm địch mà đánh, biết đánh và biết thắng vẻ vang, trong phong trào thi đua “Hiến kế đánh giặc” của toàn đảo.
. Cuối năm ấy với thành tích xuất sắc Đài Vô Tuyến Điện được Quân khu tặng bằng khen, với công sức đóng góp, tôi được bầu là chiến sĩ thi đua và vinh dự đại diện cho anh em trên đảo đi dự hội nghị mừng công toàn Quân khu. Sau đó không lâu tôi được cử đi đào tạo cán bộ tại trường Quân chính Quân khu rồi sau đó về làm giảng viên trường Đại học Thông tin Bộ Quốc Phòng. Hơn 40 năm xa đảo Hòn Mê, tôi mong muốn mà chưa một lần về thăm lại đảo, thăm lại Đài Vô Tuyến Điện thân yêu, thăm lại Hòn Bằng, Hòn Vát, đồi Quan Sát, những cái tên gắn với tôi bằng cả máu thịt. Nhưng lòng tôi luôn hướng về đất đảo thân yêu, luôn gửi trọn niềm tin đến Đài Vô Tuyến Điện với chiến công đầu trong đời lính, luôn thôi thúc tôi vươn lên trong mọi lĩnh vực, trong từng bước đường công tác. Nó khích lệ tôi và nhắc nhủ tôi giữ vững và phát huy nó như dòng máu trong tim mình để “Xứng danh với truyền thống bộ đội thông tin anh hùng”.
Cựu lính Thông tin đảo Hòn Mê
Đại tá, Thạc sỹ: Lê Minh Số