Con người Bắc Giang
LỄ RỬA CÀY BỪA CỦA ĐỒNG BÀO SÁN DÌU
Người Sán Dìu ở Bắc Giang sống tập trung ở một số huyện như: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và sống xen kẽ với các dân tộc: Hoa, Kinh, Tày, Nùng trong các làng, xã của huyện Yên Thế và Lạng Giang. Theo số liệu thống kê năm 2000 của Sở Văn hoá-Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tỉnh Bắc Giang, đồng bào Sán Dìu trên địa bàn tỉnh có khoảng 23.779 người đứng sau dân tộc Sán Chay (Cao Lan-Sán Chí) ở trong tỉnh. Ngôn ngữ của đồng bào Sán Dìu thuộc nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng. Người Sán Dìu có phong tục, tập quán riêng và có ý thức về thành phần dân tộc mình rất rõ rệt. Người Sán Dìu xuất hiện ở Bắc Giang cách nay 3-4 thế kỷ, từ những ngày đầu họ đã tạo cho mình một cuộc sống ổn định trên vùng đất này. Họ sống chính bằng sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc trồng lúa nước, họ còn biết trồng cây hoa màu, cây ăn quả trên ruộng khô và trên các đồi gò. Có thể nói, người Sán Dìu có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác vùng đất trung du để sinh sống. Sắc thái văn hóa người Sán Dìu khá phong phú, thể hiện ở các phong tục, tập quán, lễ nghi của họ và tục rửa cày bừa là một trong những sắc thái văn hóa đặc sắc ấy.
Trong một năm, người Sán Dìu có nhiều lễ tiết. Tháng Bảy âm lịch, họ có Tết Mười Tư (14/7). Tết Mười Tư tháng Bảy âm lịch của người Sán Dìu được tổ chức trong khuôn khổ gia đình hoặc dòng tộc nhưng khá thịnh soạn, bởi nó mang ý nghĩa văn hóa truyền thống sâu sắc. Vào ngày này, cả làng, bản, dòng tộc làm lễ cúng gia tiên và thần Nông cẩn báo với các bậc linh thiêng: công việc đồng áng cấy cày vụ mùa đã xong, tiết Hạ đã qua và chuyển sang tiết Thu, nhà nông sắp sửa làm những công việc mới của tiết Thu. Người Sán Dìu thường gọi Tết Mười Tư (14/7) là “Lễ rửa cày bừa” hoặc “Lễ lên đồng” vì trước đó họ có “Lễ xuống đồng” vào dịp đầu tháng Sáu âm lịch, lúc sắp bước vào cấy vụ mùa.
Vụ cấy lúa mùa (lúa đông xuân) xưa của người Sán Dìu rất quan trọng vì một năm đồng bào chỉ có một vụ lúa nước. Vào vụ lúa này, đồng bào còn trồng các loại cây hoa màu, lương thực khác như: Đỗ, lạc, ngô, khoai… Sản phẩm vụ mùa có ý nghĩa quyết định đến đời sống gia đình của đồng bào Sán Dìu trong năm. Bởi vậy, từng khâu trong sản xuất đều được đồng bào làm rất kỹ lưỡng mong thu được năng suất cao. Vì thế, sau khi kết thúc việc cấy trồng vụ đông xuân, đồng bào vui mừng như được "xả hơi", trút được gánh nặng cơ bản trong năm.
Lễ vật đặc sắc không thể thiếu trong mâm cúng gia tiên, thần Nông trong Lễ rửa cày bừa là món bánh nhân điền. Để làm được loại bánh này nguyên liệu cần có: Bột gạo nếp, đỗ xanh, lạc rang, đường đen và lá mít. Bột gạo nếp được nhào, nặn thành từng con bột vừa tầm tay rồi cho vào luộc chín, vớt các con bột luộc chín ra đánh quện thật dẻo rồi nặn bánh, tra nhân vào theo sở thích của mỗi gia đình. Khi bánh làm xong được đặt lên các lá mít đã rửa sạch rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Bánh cũng có thể ăn ngay được nếu trong quá trình làm không để lẫn bột sống và nhân bánh đã được làm chín trước. Bánh nhân điền có ý nghĩa quan trọng trong cuộc Lễ. Những nguyên liệu dùng làm bánh là sản phẩm được chọn lọc từ vụ mùa năm trước dành để cúng tạ thần Nông, gia tiên với mong ước vụ mùa năm nay được mưa thuận gió hòa, cho thu hoạch cao hơn năm trước.
Sau Lễ rửa cày bừa, bước sang tiết Thu, bù lại bao ngày tháng vất vả, mệt nhọc trong những ngày nông vụ, đồng bào Sán Dìu thường tổ chức hội hát Soọng cô để ăn mừng. Họ tổ chức thành đoàn đi từ làng, bản này sang làng bản khác, thời gian có khi kéo dài cả tuần, cả tháng.
Ngày nay, mặc dù thời điểm kết thúc công việc cấy trồng vụ mùa có sớm hơn do sử dụng các giống cây trồng ngắn hạn nhưng Lễ rửa cày bừa của người Sán Dìu vẫn được duy trì tổ chức cúng đúng ngày. Chỉ có điểm khác xưa là: Sau ngày Lễ rửa cày bừa, đồng bào Sán Dìu ít tổ chức đi Soọng cô để thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần mà thay vào đó, họ làm các việc khác nhằm nâng cao đời sống về kinh tế cho gia đình và dòng tộc.
THANH HUYỀN
..TRẠNG NGUYÊN ĐOÀN XUÂN LÔI VỚI BÀI "PHÚ CON NGỰA LÁ"
Trong lịch sử khoa bảng của tỉnh Bắc Giang, Đoàn Xuân Lôi là một trong số những người đỗ đại khoa sớm. Trong văn bia Văn miếu Bắc Ninh do Nguyễn Quang Khải dịch và chú giải,
..NHÀ SÀN MỚI
Bản nhà sàn mỗi ngày một mới
Sàn tiếp sàn cùng hướng theo nhau
Thương bản nghèo miền xuôi lên núi
Nhà sàn người Kinh mọc vùng sâu.
Nhà sàn người Kinh đẹp nhất bản
Không ngăn buồng, dán giấy bàn thờ
Để cửa giữa hành lang đi lại
Có tiếng bà ru cháu à ơi…
Sàn trong nhà người Kinh để rộng
Trẻ rủ nhau đến học cùng chơi
Già bản xem ti vi buổi tối
Con trai ngắm con gái vùng xuôi.
Ngày càng vui nhà sàn miền núi
Tiếng học bài, vọng sáo đêm trăng!
Người Kinh sống chung cùng dân bản
Một ngày không gặp lại sang thăm…
Nhà sàn xưa ông bà để lại
Mang hồn người
Nét đẹp
Thời gian
Theo Bác Hồ nhà về Hà Nội
Nhà sàn giữa trái tim Việt Nam!
MÃ VĂN TÍNH
..NHỮNG BÁNH XE MẶT TRỜI
Chiếc cọn nước
Như bánh xe mặt trời
Hắt ra muôn tia sáng
Hạnh phúc ông bà bền bỉ
Hạnh phúc mẹ cha giản dị
Như chiếc cọn nước kẽo kẹt vòng quay.
Ngày nối vào đêm
Đêm tiếp sang ngày
Thời gian tính bằng mùa cấy cày gieo gặt…
Những bánh xe mặt trời
Lăn trên gập ghềnh con suối
Suối qua gập ghềnh đồi núi
Bản làng từ đó sinh sôi…
Những bánh xe mặt trời
Chở tuổi thơ tôi đi mãi.
Mà cơm gạo Nà Pùng, Nà Piệt
Dẻo thơm như nắng tháng mười
Theo tôi đi suốt cuộc đời
Vẫn thơm…
MAI LIỄU
..Người đi tìm vẻ đẹp đằm sâu
Hoạ sĩ Lưu Thế Hân lâu nay luôn mang đến cho người xem tranh những cảm xúc rờ rỡ tươi mới bên những bức hoạ chân thật mà gợi cảm một cách kỳ lạ. Đó là hình ảnh một “đêm hè” chân quê dung dị đầy khao khát, đó là một “ký ức vùng cao” đẹp nao lòng. Đôi mắt của những người đàn bà không còn trẻ mờ sương, xa thẳm nhìn vào không cùng, một không gian miền núi như cựa quậy bên chú ngựa, cậu bé con ngơ ngác ngóng đợi…
..
(bacgiangonline.net)