(THVL) Tứ đức ngày nay04-03-2011
Có người
cho rằng, với phái nữ hiện nay, khái
niệm “công – dung – ngôn – hạnh” cổ lỗ phong kiến không còn phù hợp nữa. Nhưng
cũng có người khi nói đến sự hoàn thiện của "một nửa nhân loại" vẫn nhắc đến
"công thức" này. Suy cho cùng, bốn đức
tính xa xưa đó từ thời cụ Khổng vẫn thích hợp nếu hiểu theo nghĩa rộng trong
thời đại ngày nay.Khi nói đến tứ đức
của người phụ nữ (bao gồm công, dung, ngôn, hạnh), có người nhún vai cho rằng
xưa rồi, nhưng cũng có ý kiến khác cho là tứ đức không bao giờ xưa. Gia đình là
nền tảng của xã hội và ai cũng cần có một mái ấm gia đình. Tứ đức góp phần củng cố nền tảng gia đình. Một khi nền
tảng gia đình có vững chắc thì góp phần xây dựng xã hội lành mạnh. Nhưng chắc
chắn, quan niệm về tứ đức của người phụ nữ hiện đại phải có sự biến đổi để
thích nghi với thực tiễn, phù hợp với sự tiến hóa xã hội, phù hợp với nhịp sống
hiện đại.
Tứ đức là bốn đức quý của người phụ nữ. Công là nữ công
gia chánh. Dung là dung nhan, là sắc đẹp. Ngôn là ngôn từ, là lời ăn tiếng nói.
Hạnh là đức hạnh, là phẩm hạnh, là sự thùy mỵ, đoan trang. Người phụ nữ đẹp phải
có đầy đủ cả 4 đức tính này.
|
Như vậy, tứ đức ngày xưa là khuôn vàng thước ngọc, là cái chuẩn để người phụ nữ suốt đời rèn luyện phấn đấu, giữ gìn. Ngày nay, đó vẫn là chuẩn mực ước mơ của người phụ nữ. Ảnh minh họa |
Ngày xưa, khi nói
về nữ công gia chánh, chữ “công” là đức tính thể hiện chức năng số một của người
phụ nữ trong gia đình, bao gồm tài khéo đảm đang nội trợ, nuôi dạy con cái. Ông
bà ta khi xưa rất xem trọng đức tính này. Người
phụ nữ xưa phải biết may vá, thêu thùa, chăm sóc chồng con. Cái tài ngày xưa đã
khó, cái tài ngày nay còn khó hơn bội phần. Người phụ nữ ngày nay không chỉ biết
lo tròn bưa cơm gia đình, mà họ còn là người quản gia tài ba trong việc chi
tiêu, là người thầy giáo trong việc dạy dỗ con cái, là chỗ dựa tinh thần cho
người chồng thương yêu của mình. Ngày nay, chữ “công” của người phụ nữ còn thể
hiện ở bên ngoài xã hội, đó là tài năng trong công việc nói chung, bao gồm cả
công việc trong gia đình và trong công việc. Người phụ nữ ngày nay không muốn và
không thích công việc chỉ gói gọn trong khuôn khổ phạm vi gia đình. Một cuộc
điều ta xã hội học gần đây cho thấy hầu như có đến gần 100% người nữ đều muốn đi
làm, kể cả một khi điều kiện kinh tế gia đình đã đầy đủ. Khát vọng sự nghiệp của
người phụ nữ thời nay không đơn giản tìm một công
ăn việc làm, mà hơn thế, còn là sự vươn lên khẳng định mình.
“Dung” là dung
nhan. Phụ nữ là phái đẹp và Napoleon gọi phụ nữ là “những bông hoa có linh hồn”.
Vì thế, chữ “dung” đối với phụ nữ rất quan trọng. Suốt cuộc đời, phụ nữ phải
luôn chăm lo đến dung nhan của mình, không ăn mặc cẩu thả, không đầu bù tóc rối.
Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp mình. Cũng
không phải cứ chân dài, lưng ong, da trứng gà bóc mới là phụ nữ đẹp. Cái đẹp từ
tâm hồn còn hơn nhiều lần cái đẹp hình thức bên ngoài. Nhiều phụ nữ ngày nay cao ráo nhờ guốc dép, trắng trẻo nhờ kem dưỡng da,
hồng hào nhờ mỹ phẩm, lộng lẫy nhờ thời trang… Những thứ đó cứ có tiền là mua
được, song vẻ đẹp trong tâm hồn thì không tiền nào mua được. Một số phụ nữ rất
chăm chú đầu tư vẻ đẹp bên ngoài nhưng họ không biết rằng, đàn ông thích mộc
mạc, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Để có cái đẹp bề ngoài dễ hơn tu dưỡng để có cái
đẹp bên trong.
“Ngôn” là đức thứ ba của người phụ nữ, tất nhiên phải đặc biệt nữ
tính, khác xa cánh nam giới. Lời nói phải thuyết phục được người nghe – nhưng
nếu chỉ là tài hùng biện thì có lẽ mới chỉ thể hiện được phần trí tuệ. Phụ nữ
ngoài trí tuệ thông minh còn cần phải nói năng lễ độ đúng mức, ngọt ngào êm ái,
ngay thanh âm cũng phải toát lên cái đẹp của tâm hồn. Ngày nay, tiêu chuẩn này vẫn giữ nguyên giá trị của nó.
Người phụ nữ có sắc đẹp là diễm phúc trời cho. Nhưng nữ tính lại là nét chung
của mọi người phụ nữ. Cho nên, không nhất thiết phải xinh đẹp, mỹ miều, chỉ cần
gọn gàng, tinh tế trong cách ăn mặc, trang điểm, trong một vẻ mặt luôn tươi cười
niềm nở, phong thái cởi mở mà khiêm nhường… Không dễ dàng thừa nhận, nhưng tiếng
nói, giọng nói của phụ nữ quả là có sức thuyết phục. Trong việc khuyên chồng,
dạy con ở nhà cho đến những việc dàn xếp, thương lượng, đối thoại, tiếp xúc
trong công việc từ buôn bán kinh doanh đến ngoại giao chính trị, tiếng nói và
cách nói của phái nữ thường dễ đưa lại kết quả mong muốn hơn nhờ sự mềm mại,
uyển chuyển cả thanh âm lẫn từ ngữ. Ngôn ngữ biểu đạt ý nghĩ, nhận thức của
người nữ đối với cuộc sống, với thế giới, tỏ rõ trí thông minh, tính nhạy cảm và
tri thức phong phú của họ về xã hội và tự nhiên.
“Hạnh” là tính cách
cuối cùng, quan trọng nhất của người phụ nữ. Đó là đức tính thủy chung son sắt, kính trên nhường dưới, yêu
thương gia đình, đồng loại, giữ trọn nền nếp gia phong, yêu cái tốt, ghét cái
xấu v.v… Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, những đứa trẻ vẫn cần đến câu hát ru
của mẹ, cần đến món ăn do chính bàn tay mẹ nấu, cần đến những lời dạy con từ
những câu ca dao dân ca nhẹ nhàng, thâm thuý của người xưa. Tuy nhiên, nhận thức
gìn giữ văn hoá dân tộc không còn chỉ là chuyện đơn lẻ của mỗi bà mẹ, mà phải là
ý thức của từng thành viên trong gia đình, của mọi người, của xã hội và của cả
dân tộc. Đây chính là sức mạnh của văn hoá, sức mạnh của Việt Nam đã được hun
đúc ngàn đời và lưu truyền đến ngày nay. Trách
nhiệm và bổn phận của mỗi người chúng ta cần ý thức và nỗ lực để dung hoà được
cả hai vẻ đẹp truyền thống và hiện đại – theo hoàn cảnh thực tế và bằng chính
cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.
Như vậy, tứ đức ngày xưa là khuôn
vàng thước ngọc, là cái chuẩn để người phụ nữ suốt đời rèn luyện phấn đấu, giữ
gìn. Ngày nay, đó vẫn là chuẩn mực ước mơ của
người phụ nữ. Có khác chăng, giờ đây, một người phụ nữ giỏi, đẹp, đứng đắn và
hấp dẫn còn thể hiện nhiều hơn ngày trước qua những công việc xã hội một thời
từng chỉ dành riêng cho nam giới. Điều quan trọng là, phụ nữ dù tân tiến đến
đâu, nhưng vẫn là người phụ nữ Việt Nam. Khi nói tới sự duyên dáng, hồn hậu là
không chỉ ở tà áo dài, mà còn ở một tâm hồn đẹp, một phong cách đẹp.
An Khánh